Căng thẳng trụ 25

Gói thầu số 2 xây dựng cầu Long Thành có chiều dài 3.100m, trong đó cầu chính dài 660m, rộng 20m. Phải thi công trong điều kiện dòng sông Đồng Nai chảy xiết, nên vấn đề đảm bảo an toàn giao thông được xem là tối quan trọng. Chính điều này khiến tiến độ thi công thời gian đầu chậm mất mấy tháng để thực hiện việc đảm bảo an toàn giao thông thủy.

Cầu Long Thành có 5 trụ thi công dưới nước, trong đó, thi công trụ số 25 được xem là vất vả và tốn kém nhất. Một đơn vị thành viên của Cienco 6 là Bêtông 6 chuyên về cầu đã phải mất gần 2 năm trời vẫn không khoan được cọc nhồi. Nguyên nhân là do địa chất ở đây hết sức phức tạp. Khi khoan xuống gặp tầng đất sỏi và cát kết hợp với nước thấm vào làm cát chảy dẫn đến sập vách ngăn. Nhà thầu phải thi công nhiều lần, thay đổi phương pháp vẫn không xử lý được. Khi khoan còn khoảng 4m nữa là đến đáy lại gặp tầng đá cứng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Cienco 6 cho biết, Tổng công ty phải điều thêm một đơn vị thành viên là công ty xây 623 vào thực hiện. Đồng thời đầu tư một giàn khoan mới RCD trị giá trên 6 tỷ đồng để thi công. Dàn khoan này được cố định trên sàn đạo bằng thép, thi công theo phương pháp tuần hoàn trực tiếp thuận nghịch thay vì dùng gàu múc như những dàn khoan cũ. “Công nghệ này đã được Cienco 6 áp dụng trong thi công cầu Cần Thơ. Chính nhờ sự đầu tư này mà việc thi công trụ 25 của cầu Long Thành sau đó đã thuận lợi hơn”, ông Thanh nói.

Sẽ hoàn thành đúng cam kết

Sau khi đã giải quyết được bài toán trụ 25, nhờ sử dụng dàn khoan RCD nên việc thi công các trụ 21, 22, 23, 24 tiến triển tốt. Các trụ này đều có đường kính 2m, sâu 70m, mỗi trụ có 22 cọc khoan nhồi. Mỗi cọc phải mất hơn 1 tuần mới khoan xong, phải bố trí mỗi trụ 2 dàn khoan để thi công liên tục. Hiện trụ 23, 24 mỗi trụ chỉ còn 10 cọc nữa là xong phần cọc nhồi. Riêng trụ 21 đã đổ xong phần bệ, đang tiến hành thi công phần thân trụ với 5 đốt, hiện đã xong 4 đốt và đang tiến hành thi công đốt thứ 5. Còn trụ 22 hết tháng 8 sẽ xong phần bệ.

Nhà thầu cũng đã bố trí 3 bộ K0 và 3 bộ xe đúc hẫng để chuẩn bị cho thi công K0 và phần đúc hẫng. Trong thời điểm cần thiết có thể huy động thêm một bộ nữa để đẩy nhanh tiến độ. Tiến độ chung của gói số 2 đến thời điểm hiện tại đã trên 55%. Ngoài ra, Cienco 6 còn thi công gói số 1b hiện cũng đã đạt gần 90% và sẽ hoàn thành vào 31/12/2012 như hợp đồng ký kết.

Trong đợt kiểm tra tiến độ dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu chủ đầu tư, các nhà thầu phải hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2014. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ GTVT và chủ đầu tư VEC là thông xe trước đoạn từ TP.HCM đến QL51 (Long Thành) để giảm tải cho QL1. Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Cienco 6 khẳng định sẽ tập trung mọi phương tiện, thiết bị, nhân lực để hoàn thành tiến độ như cam kết là 30/9/2013. Tuy nhiên, hiện tại ở mố cầu phía bờ Long Thành vẫn còn vướng GPMB.

Thi công cầu Long Thành, Cienco 6 đã tiêu tốn một nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư máy móc, trang thiết bị. “Nếu tính tổng chi phí bỏ ra so với họp đồng thì nhà thầu lỗ bởi trượt giá quá cao. Nhưng bù lại là được hệ thống máy móc, thiết bị và trình độ của cán bộ kỹ thuật, công nhân nâng lên rất nhiều. Đây là điều quan trọng để Cienco 6 tiếp tục thực hiện những dự án quan trọng khác trong thời gian tới” - Tổng giám đốc Cienco 6 Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

Minh Nghĩa - Phan Tư