Theo TS Trần Du Lịch, Nhơn Trạch là khu đô thị đã được quy hoạch bài bản, nằm ở vùng đất cao, địa chất đất tốt, thế đất đẹp; dân cư chưa nhiều. TPHCM hoàn toàn có thể phối hợp với Đồng Nai tiến hành giãn dân ra khu đô thị này thay vì tốn nhiều tiền để phát triển đô thị về phía Nam - vốn là vùng đất yếu, khi xây dựng sẽ tốn rất nhiều chi phí.
Rất cần một cây cầu thay thế phà Cát Lái, nối TPHCM với đô thị mới Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ảnh: Diễm Thy |
Nghịch lý thiếu, thừa...
Một buổi chiều cuối tháng 9-2012, chúng tôi đến đô thị mới Nhơn Trạch. Tất cả chỉ có gió và cây cỏ “làm chủ” khu đô thị được quy hoạch bài bản này. Nhiều lô nhà đất, cỏ đã mọc cao hơn đầu người. Trên vỉa hè, không ít viên gạch lát đã bắt đầu bong tróc. Không khí im ắng tới mức một cánh chim bay qua cũng nghe thấy tiếng… Gọi điện thoại mãi cho một cán bộ của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội và nhờ anh hướng dẫn, chúng tôi mới tìm đến được trụ sở văn phòng đại diện của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội ở Nhơn Trạch.
Cùng với nhiều nhà đầu tư khác như Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam (HUD),Công ty Đệ Tam…, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đang đầu tư xây dựng nhiều khu đô thị mới ở thành phố Nhơn Trạch này. Tiếp chúng tôi, cán bộ này cho biết, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đang bàn giao sổ đỏ cho các khách hàng mua đất của đơn vị. Mọi thủ tục cần thiết để người dân có thể an cư lâu dài ở đây, từ hạ tầng kỹ thuật tới hạ tầng xã hội, giấy tờ nhà đất… đã xong. Thậm chí, doanh nghiệp đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống đường ống đưa ga tới tận nhà dân. Người dân có thể sử dụng ga qua hệ thống này thay vì mua từng bình, không an toàn”.
Theo quy hoạch xây dựng vùng TPHCM, thành phố mới Nhơn Trạch tuy thuộc tỉnh Đồng Nai nhưng sẽ là một trong những đô thị vệ tinh quan trọng của TPHCM và là đô thị loại 2 của cả vùng. Năm 1996, thành phố mới Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể với diện tích đất vào năm 2005 là 2.000ha, năm 2020 khoảng 8.000ha. Dân số dự kiến năm 2005 là 100.000 dân và đến năm 2020 khoảng 500.000 dân.
Thế nhưng, từ lúc quy hoạch được phê duyệt đến nay, đô thị mới Nhơn Trạch là một “đô thị ma” đúng nghĩa với gió hú và cảnh vắng lặng ớn người, cho dù giá nền nhà, đất ở đây rất rẻ, chỉ khoảng 1 triệu đến 2 triệu đồng/m². Nền nhà đất ở Nhơn Trạch lại có diện tích khá phù hợp với khả năng chi trả và sử dụng của đại đa số người dân: trung bình 100m². Nhơn Trạch nằm sát TPHCM. Từ TPHCM có thể đi đến Nhơn Trạch bằng quốc lộ 51 hoặc qua phà Cát Lái…
Gần nhau như thế, song trong khi Nhơn Trạch hoang vắng thì TPHCM phải đang đối mặt với việc giải quyết tái định cư cho hàng ngàn hộ dân và phát triển thêm đô thị mới. Nhiều hộ dân của thành phố đã phải tạm cư gần chục năm mà chưa có chỗ ở ổn định.
Cần một con đường
Một con đường gần hơn nối đô thị mới Nhơn Trạch với TPHCM được nhiều chuyên gia cho là giải pháp tốt nhất để giải quyết nghịch lý thừa, thiếu nêu trên cho TPHCM, Nhơn Trạch nói riêng và cả vùng TPHCM nói chung. Hiện nay sử dụng quốc lộ 51 hay phà Cát Lái đều tốn khá nhiều thời gian. Trong bối cảnh giao thông chưa thuận lợi, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở quốc lộ 51...Nhơn Trạch khó hấp dẫn người dân đến ở.
Nhận thức rõ điều ấy, 3 năm trước đây, lãnh đạo UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã nhất trí phải xây dựng một con đường và một cây cầu nối TPHCM và Nhơn Trạch để tạo đà phát triển cho Nhơn Trạch và cả vùng TPHCM.
UBND TPHCM và UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc này và Thủ tướng Chính phủ trong buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM ngày 15-3-2010 cũng đã kết luận: “Chấp thuận chủ trương cho thực hiện thí điểm việc bảo lãnh phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế hoặc ngân hàng nước ngoài cho vay đối với dự án xây dựng cầu đường Nhơn Trạch”. Tuy nhiên, hiện nay vướng mắc chính của dự án lại ở các bộ, ngành chức năng.
Theo ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ, chủ đầu tư xây dựng công trình cầu, đường Nhơn Trạch, dự án đang “nằm” ở các bộ, ngành mà không biết bao giờ sẽ được triển khai. Về phần mình, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ đã bước đầu hoàn tất nghiên cứu dự án xây dựng cầu, đường Nhơn Trạch.
Dự kiến công trình sẽ có điểm đầu tại khu vực trạm 2, quận Thủ Đức, đi qua quận 9 TPHCM, vượt sông Đồng Nai và kết thúc ở nút giao với đường 25B huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với chiếu dài gần 18km. Có lẽ đã đến lúc các bộ ngành liên quan xem lại quyết định của mình. Phải cho đô thị mới Nhơn Trạch nói riêng và vùng TPHCM một cơ hội phát triển.
Nguyễn Khoa