Số vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản chiếm tới 46,9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 10 tháng qua.
Vị trí kế tiếp là Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 936,7 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư. Samoa đứng vị trí thứ 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 899,8 triệu USD. Sau đó là Singapore, với 675,4 triệu USD. Đứng thứ 5 là British Virgin Islands, với 623,38 triệu USD.
Thời gian gần đây, dư luận đã nhắc nhiều tới làn sóng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản và coi đó là cơ hội lớn để Việt Nam thu hút đầu tư từ nhà đầu tư này. 10 tháng đầu năm, các dự án lớn vào Việt Nam cũng đều là của các doanh nghiệp Nhật Bản, như Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương (vốn đầu tư 1,2 tỷ USD),Dự án Sản xuất lốp xe Bridgestone tại Hải Phòng (574,8 triệu USD),Dự án Công ty Sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam tại Đồng Nai (441 triệu USD)…
Bên cạnh các dự án lớn, Việt Nam cũng đang tích cực thu hút các nhà đầu tư nhỏ của Nhật Bản, nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ. Động thái tích cực mới đây là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển N&G (N&G Corp) của Việt Nam và Tập đoàn Forval (Forval Corp) của Nhật Bản đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược nhằm phát triển Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP).
Trong khi đó, việc Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư một dự án sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thứ hai ở Bắc Ninh (tổng vốn đầu tư 830 triệu USD) cũng có thể coi là một cú hích lớn nhằm thu hút đầu tư từ quốc gia này.
Tuy nhiên, nhiều thông tin cho thấy, thu hút FDI của Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn, do những cải thiện trong môi trường đầu tư chậm hơn so với một số nước xung quanh.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 10 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 10,49 tỷ USD, bằng 75,3% so với cùng kỳ 2011. Trong khi đó, vốn giải ngân ước đạt 9 tỷ USD, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2011.
Báo đầu tư