Động thổ vào năm 2011

Ông Dương Hồng Cẩm, trưởng dự án Công ty Berjaya, cho biết dự án sẽ được tiến hành trong vòng 15 năm và sẽ động thổ vào năm 2011. Hiện quy hoạch của dự án đã được phê duyệt và chủ đầu tư đang thực hiện các thủ tục hậu giấy phép xây dựng, đồng thời xem xét lại việc kết nối các tuyến giao thông đối nội, đối ngoại với đường giao thông chung bên ngoài và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện dự án.

Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch đô thị mới Nhơn Trạch nhằm liên kết với các đô thị khác để tạo thành trục đô thị đa tâm, phù hợp với nhu cầu phát triển của khu vực và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, mở rộng quy hoạch không gian đô thị từ

6.000 ha lên 11.000 ha bao gồm toàn bộ ranh giới huyện Nhơn Trạch có diện tích 41.000 ha, là một trong các trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch. Hướng phát triển đô thị gồm vùng đất được bao quanh bởi đường 25A và Hương lộ 19, vùng đất giáp sông Đồng Nai, sông Lòng Tàu theo hướng kết nối với quận 2 và quận 9- TPHCM.

Ngoài những dự án trong nội vùng đô thị, những dự án cầu đường quan trọng kết nối vùng, khu vực như các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa - Vũng Tàu, cầu đường quận 9 nối Nhơn Trạch là tuyến giao thông nối liền tỉnh Đồng Nai với quận 9. Trong đó, cầu Nhơn Trạch-quận 9 có chiều dài 2,2 km, là dự án giao thông quan trọng tạo động lực để thúc đẩy TP phát triển.

Cần 5 tỉ USD đầu tư hạ tầng

Theo ông Lê Vân Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, do huyện Nhơn Trạch nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giữa vùng tam giác kinh tế: TPHCM- Đồng Nai-Bà Rịa- Vũng Tàu, ven các tuyến giao thông thủy bộ huyết mạch của vùng và là cửa ngõ tương lai vào TPHCM nên Nhơn Trạch có lợi thế to lớn về phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch, khi hoàn thành sẽ có triển vọng phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, UBND huyện Nhơn Trạch cho biết khó khăn nhất hiện nay là việc quản lý quy hoạch, nguồn vốn, bởi theo dự kiến phải cần khoảng 5-8 tỉ USD đầu tư hạ tầng cho toàn TP. Trong đó, chỉ riêng 2 công trình cầu đường từ quận 9 bắc qua Nhơn Trạch và cấp thoát nước cho TP Nhơn Trạch đã tốn khoảng 10.000 tỉ đồng.

Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Đồng Nai, nếu dự án cầu đường quận 9 – Nhơn Trạch đi vào hoạt động sẽ kêu gọi đầu tư vào hạ tầng để thúc đẩy quá trình đô thị hóa phát triển mạnh, tạo thành cánh tay nối dài cho TPHCM.

Theo Luật sư đồng nai