Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải bán lỗ các khoản đầu tư so với giá mua vào khi thị trường bất động sản còn nóng. Các chủ đầu tư bất động sản cũng phải công bố bán dự án...

Tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (TDH),ông Lê Chí Hiếu, chủ tịch HĐQT công ty, nhấn mạnh năm 2013 công ty phải chủ động được nguồn vốn, giải pháp đề ra là sẽ thoái vốn các danh mục đầu tư tài chính, mời gọi các đối tác nước ngoài cùng tham gia các dự án, có thể bán cổ phần hoặc bán toàn bộ dự án...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hiếu cho biết: “Các đối tượng thoái vốn sẽ là những danh mục đầu tư tài chính như: Công ty Tài chính dệt may, Ngân hàng Phương Đông và hàng loạt dự án bất động sản sẽ chào bán như dự án Phúc Thịnh Đức, khách sạn La Sapinette...”. Tuy nhiên theo ông Hiếu, rất khó tìm được đối tác, đặc biệt là đối tác muốn mua với tiền mặt. Hiện TDH có hơn 10 dự án đang cần vốn, có những dự án nếu không thực hiện kịp tiến độ cuối năm nay sẽ có khả năng bị thu hồi cao.

Trước tình hình đó, HĐQT công ty đưa ra kế hoạch doanh thu năm nay là 550 tỉ đồng, trong đó từ hoạt động xây dựng và kinh doanh địa ốc là 330 tỉ đồng. Để đạt được, công ty buộc phải giải phóng hết 100 căn hộ tồn kho của chung cư Trường Thọ, tiêu thụ hết các nền dự án Phước Long Spring Town, 20 căn hộ tồn kho của chung cư Phước Bình, 90 nền tồn kho của dự án Bến Lức Long An...

Ông Lê Viết Hải, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã chứng khoán HBC),cho biết công ty phải thận trọng với những hợp đồng mới, cân nhắc khả năng thanh toán của chủ đầu tư. “Công ty sẽ hạn chế tối đa đầu tư dài hạn vào các dự án, hạn chế liên doanh liên kết, giảm đầu tư máy móc thiết bị, từng bước thoái vốn dần khỏi các dự án bất động sản dài hạn” - ông Hải nói tại đại hội cổ đông công ty.

Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khác thuộc nhóm ngành xây dựng, bất động sản đang khiến nhà đầu tư bi quan vào ngành này. Năm 2012, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản VN (mã chứng khoán VNI) rơi vào tình trạng thua lỗ và cổ phiếu VNI đang trong diện bị cảnh báo. Kết quả kinh doanh quý 1-2013 vẫn chưa sáng sủa khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty vẫn bị âm 131,5 tỉ đồng. Tương tự, Tổng công ty cổ phần phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán KBC) bị thua lỗ tới 435,64 tỉ đồng trong năm 2012 và cổ phiếu đã bị đưa vào diện cảnh báo. Quý 1-2013, KBC đã báo lỗ 55 tỉ đồng (công ty mẹ 53 tỉ đồng),trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi 18,6 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh những năm trước không ấn tượng nên ngay cả khi năm 2013 doanh nghiệp đặt mục tiêu cao, các nhà đầu tư cũng nảy sinh tâm lý ngờ vực. Đại hội cổ đông mới đây của Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC),nhà đầu tư đặt vấn đề doanh thu năm 2012 chỉ 302 tỉ đồng, lợi nhuận chưa đạt 20 tỉ đồng. Như vậy, liệu kế hoạch doanh thu 1.000 tỉ đồng và lợi nhuận 100 tỉ đồng trong năm 2013 có đạt được không? Nhà đầu tư cũng đặt vấn đề giá cổ phiếu HQC quá thấp và công ty có cách nào để khôi phục...?

Chưa hết khó khăn

Mặc dù đa số nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nhỏ lẻ, tham gia thị trường chứng khoán không hẳn chỉ để chờ đến kỳ nhận cổ tức, nhưng cổ tức lại là một trong những tiêu chí để nhà đầu tư tham khảo trước khi đưa ra quyết định đồng thời đánh giá tình hình doanh nghiệp, làm tăng giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu.

Chính vì vậy mức chia cổ tức năm 2013 trong khoảng 10-15%/mệnh giá như dự kiến của một số doanh nghiệp bất động sản được giới đầu tư chứng khoán nhận định không hấp dẫn. Cụ thể: Công ty cổ phần đầu tư Căn Nhà Mơ Ước chia cổ tức năm 2012 mức 10%/mệnh giá, TDH đặt kế hoạch năm 2013 tỉ lệ chia cổ tức 10% nhưng cổ đông vẫn “treo”, chưa thể thống nhất. Tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG),ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT công ty, cho biết mức cổ tức dự kiến chia trong năm 2013 khoảng 10-15% bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt...

Theo các chuyên gia chứng khoán, với tình hình kinh doanh và triển vọng thị trường bất động sản như hiện nay, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ ít hơn một số nhóm ngành khác. Tuy nhiên với một bộ phận nhà đầu tư “lướt sóng”, những thông tin liên quan đến các gói hỗ trợ thị trường bất động sản, thông tin lãi suất tiết kiệm giảm có thể giúp nhà đầu tư hi vọng người dân sẽ chuyển hướng từ gửi tiết kiệm sang mua nhà, giúp giảm bớt tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản. Từ đó, cổ phiếu bất động sản vẫn có thể có sóng dù rủi ro khá cao... Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng gói hỗ trợ bất động sản đối với chương trình nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp chỉ chiếm khoảng 13% dư nợ tín dụng bất động sản hiện tại và bằng 27% tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản vào thời điểm cuối năm 2012. Vì thế, xét về mặt quy mô sẽ không đủ để giải quyết triệt để khó khăn của ngành bất động sản.

BẠCH HOÀN - ĐÌNH DÂN