FDI tập trung vào sản xuất
Trang tin tức YarnsAndFibers (YNFX) mới đây đã đưa tin hàng loạt doanh nhiệp dệt may nhật bản đang đổ xô vào Việt Nam với hy vọng sẽ tạo ra tăng trưởng nhờ lợi thế khi hiệp định tự do thương mại TPP được ký kết. Điều này được dự báo sẽ giúp Việt Nam gia tăng sản xuất và xuất khẩu vào thị trường lớn như Mỹ
Ông Jonathan Tizzard, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Thẩm định giá của Công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, phân tích: “Nếu chúng ta nhìn vào các thị trường mới nổi trong khu vực như Indonesia, Philippines và Thái Lan thì Việt Nam đã nhận được 17% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đổ vào bất động sản. Indonesia chỉ nhận được 10% do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, Philippines và Thái Lan có tỷ lệ lần lượt là 29% và 45%. Tôi tin rằng, Việt Nam vẫn là thị trường rất tiềm năng để đầu tư và tỷ lệ thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực này sẽ được cải thiện trong thời gian không xa”.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Standard Chartered cho thấy, có khoảng 44% đơn vị tham gia nghiên cứu chọn Việt Nam là điểm đến để đầu tư do có thị trường nội địa rất lớn, 29% nêu lý do là chi phí hoạt động thấp và 18% là nhân công dồi dào.
Trước đây, đã có nhiều chuyên gia lo ngại về việc các công ty nước ngoài lo lắng khi đầu tư sang Việt Nam khi thiếu lao động lành nghề, thế nhưng với việc ký kết AEC và tạo điều kiện cho lao động trong khu vực được tự do di chuyển là một bước đi lớn giúp cho DN nước ngoài an tâm hơn về chất lượng lao động. Do đó, nếu nói TPP tạo động lực cho thu hút vốn FDI thì AEC vừa củng cố thêm yếu tố về lao động.
Thu hút vốn FDI vẫn đang là điểm sáng đối với kinh tế Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đều tăng so với năm trước là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2015, cả nước có 2.013 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 15,578 tỷ USD, bằng 99,6% so với năm 2014. Có 814 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 7,18 tỷ USD, tăng 56,5% so với năm 2014. Tính chung cả năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm hơn 22,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.
Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 955 dự án đầu tư đăng ký mới và 517 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trao đổi với báo giới, Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Tp.HCM (HBA) đã nhấn mạnh rằng đúng là Hiệp định TPP sẽ mở đường phát triển mới cho BĐS công nghiệp. Theo dự báo của ông Bé, nhu cầu tìm kiếm và xây dựng các xưởng, nhà máy sản xuất sẽ tăng cao trong những năm tới. Hiện tại, khu vực phía Nam được đánh giá là khu vực tiềm năng nhất cho việc đầu tư phân khúc nhà xưởng. Các khu công nghiệp có quỹ đất trống lớn để xây nhà xưởng sản xuất vẫn luôn thu hút được sự chú ý của các chủ doanh nghiệp nước ngoài và sự kiện TPP vừa qua sẽ càng kích cầu đầu tư hơn nữa trong thời gian tới.
Ngoài ra, các chủ phân xưởng cũng có những dự định mở rộng và xây mới nhà xưởng trong đầu năm 2016 để đón đầu nhu cầu tăng cao của phân khúc này trong tương lai. Hệ thống hạ tầng của một số khu công nghiệp hiện đang trong tình trạng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư. Chẳng hạn như khu công nghiệp Hiệp Phước của Tp.HCM đang tăng tốc đầu tư mở rộng khu cảng cho tàu nước sâu, hai tuyến đường dẫn vào cảng đang được nâng cấp...
Tiếp tục tăng...
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đang có sự “bùng nổ” các khu công nghiệp với 87 dự án mới đang trong giai đoạn xây dựng, tương đương khoảng 41% số khu công nghiệp hiện hữu (212 khu công nghiệp với tổng diện tích 60.000 ha).
Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 300 khu công nghiệp, trong đó có 212 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 84.000 héc-ta, trong đó tập trung nhiều ở phía Nam (TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu),với 106 khu công nghiệp đang hoạt động, có tổng diện 33.500 héc-ta. Phía Bắc có 46 khu công nghiệp với 12.100 héc-ta.
Các khu công nghiệp (KCN) trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An...) đang có mức độ thu hút đầu tư cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do nhiều hiệp định tự do thương mại, mà Việt Nam là thành viên, đang tạo nên sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
CBRE nhìn nhận tác động của TPP lên thị trường bất động sản sẽ hạn chế nhưng nhu cầu của các ngành liên quan đến bất động sản như khu công nghiệp, nhà kho, và ngành hậu cần có thể sẽ tăng nhất định.
Báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp tại Hà Nội và Tp.HCM đang có xu hướng tốt hơn. Tại Hà Nội, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt hơn 72% trong quý 4/2015 với 6/11 khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy hoàn toàn. Giá thuê tiếp tục tăng và dự kiến sẽ tăng trong năm 2016.
Tại Tp.HCM, không có diện tích nguồn cung mới nào đi vào hoạt động trong quý cuối cùng của năm 2015. Hiện TPHCM có 18 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.630 ha, trong đó diện tích sẵn sàng cho thuê chiếm 62%. Thời hạn sử dụng đất trung bình còn lại khoảng 35 năm. Giá thuê trung bình khu công nghiệp tại TP HCM 3 tháng qua đạt 2,7 triệu đồng mỗi m2/thời hạn thuê, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 126 USD, cao gấp đôi so với Long An, Bình Dương, Đồng Nai.
Theo nhận định của Cushman & Wakefied, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành điểm đến công nghiệp hàng đầu trên thế giới, do chi phí nhân công thấp và nằm trong khu vực lưu thông hàng hải huyết mạch giữa châu Âu và châu Mỹ. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm đến Việt Nam do tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng, tạo điều kiện để hình thành một xu thế bất động sản mới; trong đó bao gồm sự xuất hiện phổ biến của lĩnh vực cho thuê nhà máy, kho bãi. Các đơn vị sản xuất cũng như logistics cũng sẽ chuyển mình nên quỹ đất dành cho hoạt động này đang thực sự cần thiết.
Cushman & Wakefield đánh giá trong thời gian tới, thị trường TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, với tỷ lệ lấp đầy và giá thuê tiếp tục tăng. Với việc thu hút được các nhà dầu tư nước ngoài theo xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận hưởng những ưu đãi về thuế. Theo đó, nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp đang tăng lên, giúp phân khúc này là một kênh đầy hứa hẹn.
Huy Nguyên